Câu Đài là gì?
Việc định nghĩa Câu Đài là gì rất đơn giản và hoàn toàn có thể chốt lại với một ý ngắn gọn nhưng đầy đủ rằng câu Đài chính là bộ môn câu cá do người Đài Loan phát minh.
Tuy nhiên, một khi đã gọi là bộ môn thì nó hàm ý đi kèm và bao gồm các triết lý, kỹ thuật và dụng cụ chuyên biệt. Việc định nghĩa Câu Đài là gì rất đơn giản, nhưng thực tế khi đi sâu và chiêm nghiệm nhiều thì bộ môn câu Đài với rất nhiều triết lý và yêu cầu kỹ thuật rất riêng hình thành nên nhiều cách hiểu khác nhau, trong đó tiêu biểu nhất là hai triết lý sau..
Câu Đài với Triết lý câu cá thể thao và câu thi
Kỹ thuật câu tay kiểu Đài Loan là cách câu tay hoàn toàn mới điển hình trong “Cách câu chì treo” (hay “Cách câu chì lơ lửng”), du nhập từ Đài Loan vào Trung Quốc những năm cuối thập niên 80, đó là kỹ thuật chuyên dành cho câu tay trong các ao hồ, từ đó được mệnh danh là “Câu Đài”. Với sự áp dụng và không ngừng đổi mới, câu Đài đã phát triển rất nhanh chóng và ngày nay câu Đài còn có tên mới là “Kỹ thuật câu cạnh tranh” (hay “Kỹ thuật câu thi”).
Nếu bạn đọc thấy định nghĩa trên ở đâu đó, tôi chắc chắn rằng cảm giác đầu tiên chính là sự khó hiểu và có phần “hợi gượng gạo”. Theo tôi đây là lời dịch lại từ văn tự tiếng Trung hay Đài Loan và mặc dù bản thân tôi trân trọng giá trị thông tin của người dịch nhưng ở mức độ nào đó tôi cảm thấy nó chưa đủ sự bao quát hết về sự tinh diệu của câu Đài. Điều này dễ khiến cho các bạn mới nhập môn câu Đài hiểu sai và có cái nhìn hạn hẹp về triết lý và sự nhân văn của con người trong câu Đài.
Vì sao lại như vậy?
Đơn giản nếu hiểu câu Đài là bộ môn câu cá theo kiểu người Đài Loan và nó phục vụ chủ yếu cho việc câu thi trong các sự kiện, giải đấu, game, v.v. thì sẽ làm cho câu Đài thiếu đi sự thi vị và phần nào thiếu đi tính nhân văn.
Ở các hồ câu, giải đấu là nơi mà ở đó mọi người áp dụng kỹ thuật câu Đài để tranh nhau là làm sao để bắt được con cá nhiều nhất, nhanh nhất, to nhất để giải trí và tranh đua thứ hạng. Khi đó, các kỹ thuật mồi câu, kỹ thuật dìu cá và bắt cá không làm cá nhát hay việc sử dụng lưỡi câu không ngạnh cũng chỉ với mục đích câu được nhiều cá hơn. Lúc này, câu Đài mang ít ý nghĩa là cầu nối giao lưu nhưng lại mang nhiều ý nghĩa hơn thua, “game” hóa và thương mại hóa giữa các nhãn hiệu mồi câu, cầu câu, chủ hồ và cần thủ.
Câu Đài với triết lý thư giãn và chiêm nghiệm thực tế
Với các Anh Chi Em nào thường hay xem các video clip câu Đài của người Nhật hay Đài Loan thì ắt hẳn cũng phần nào cảm nhận được sự thư giãn, thoải mái và thi vị của câu Đài. Khi mà các điểm câu có thể là mặt hồ còn phủ hơi sương và những tia nắng sớm chỉ mới bắt đầu chiếu xuống tăm phao và đường câu. Hay tại các mặt hồ xanh biêng biếc với cảnh núi rừng xung quanh mà ở đó ta cảm giác dường như việc được hay mất con cá không phải là tiên quyết.
Tất cả những điều tôi muốn nói ở đây chính là sự thoải mái, thong dong và cảm giác thư giãn nhẹ nhàng khác hẳn với không khí tại các giải thi đấu trong hồ câu. Chính trong lúc này, chúng ta chợt chiêm nghiệm ra rằng thì ra việc sử dụng lưỡi không ngạnh sẽ tạo ra cuộc chơi 50:50 giữa cần thủ và con cá; con cá cắn câu có 50 phần trăm cơ hội thoát được khỏi lưỡi câu không ngạnh. Triết lý này trong câu Đài tương tự đến việc chúng ta sống ở đời, làm gì cũng nên chừa đường lui và cho người khác cơ hội chính là cho mình cơ hội.