Trước khi vào chủ đề về 3 điều kiêng kỵ với cần thủ theo góc nhìn của Đao Phật, chúng ta nhìn lại một chút về thế giới quan của anh chị em cần thủ.
“Dầm mưa, dãi nắng“, “đen đúa, xấu xí“, “sát sinh“, “móc mồm, móc miệng chúng sanh sẽ gánh quả báo“, “ở nhà ăn, ngủ trong máy lạnh cho sướng thân“, v.v. Đó là những câu nói mà các anh, chị, em (ACE) cần thủ chúng ta chắc phải nhiều hơn một lần nghe thấy từ người thân, bạn bè hoặc thậm chí từ người dưng nước lã trên con đường gia nhập “bộ môn trời đầy” này.

Có đôi khi không phải những câu nói ngắn gọn, mà thay vào đó là các câu chuyện dài về quả báo; như ông này lúc trẻ câu cá này nọ, rồi khi về già nằm đau đớn như cá bị đập đầu, và rất nhiều những mẫu chuyện tương tự.
Túm tụm lại thì tất cả những lời góp ý đó, câu chuyện đó, dù hàm ý xuất phát từ lòng tốt hay từ sâu xa của gì nữa khác thì cũng có phần đúng nếu xét theo góc nhìn của Đạo Phật. Nhưng đúng ở mức nào vào có khi nào chúng ta muốn phản biện lại nhưng không biết nói thế nào?
May mắn có duyên với Đạo Phật và cũng có chút ít tìm hiểu, tu tập theo giáo lý Phật, mình xin chia sẻ những hiểu biết với các ACE cần thủ về nghiệp sát sanh liên quan đến câu cá. Và nhắn gửi 3 điều kiêng kỵ với cần thủ theo góc nhìn của Đao Phật.
Bạn đang xem bài viết: 3 điều kiêng kỵ với cần thủ theo góc nhìn của Đạo Phật của Ác Nhân Cốc
- Tìm hiểu nghiệp sát sanh là gì?
- Sự liên quan của nghiệp sát sanh và phúc đức
- Đi câu, chấp nhận nghiệp, chấp nhận vay trả
- 1/3 điều kiêng kỵ với cần thủ – LÃNG PHÍ THỨC ĂN
- 2/3 điều kiêng kỵ với cần thủ – ĐEM CÁ CÂU ĐƯỢC ĐI CHO
- 3/3 điều kiêng kỵ với cần thủ – HẢ HÊ VỚI NGHIỆP SÁT VÀ GÂY ĐAU KHỔ
- Giảm trừ nghiệp
Nghiệp sát sanh – lí do chủ đạo dẫn tới 3 điều kiêng kỵ với cần thủ theo góc nhìn của Đao Phật
Nghiệp sát sanh là gì?
Nếu nói về nghiệp sát sanh như chúng ta vẫn thường hiểu đó chính là mình gây ra cái chết cho một chúng sanh khác. Chúng sanh đó có thể là khác loài hay cùng loài với chúng ta, ở phạm vi này chúng ta chỉ nói về câu cá và sát sanh khi giết mổ cá.
Theo Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, “nguyên nhân đưa đến đời sống ngắn ngủi là sát sanh, không có lòng từ bi. Ngược lại, nguyên nhân đưa đến đời sống trường thọ là không sát sanh, có lòng thương đối với mọi loài chúng sanh“.

Hầu hết các lời Phật dạy được truyền đến ngày nay đều do các trưỡng lão, những tu sĩ ghi chép lại. Trong kinh thường là những mẫu chuyện, những dẫn chứng về lời dạy của Phật Thích Ca lúc còn tại thế. Những bản kinh được gọi là kinh nguyên thủy là những bản gần đúng nhất, chân thật nhất ghi lại lời dạy của Phật khi còn tại thế.
Nghiệp sát sanh ảnh hưởng tới phúc đức
Có đức mặc sức mà ăn
Dân gian có câu
Nghiệp sát sanh như một dấu trừ vào tích điểm phúc đức của mỗi chúng ta, và từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến cái quả mà chúng ta nhận được trong đời này. Có thể là cả nhiều đời sau. Vị dụ như phúc đức ta lý ra hưởng được trúng số 4 tỷ thì do nghiệp nặng quá, ta bị giảm xuống trúng an ủi hoặc là trúng xong lại phá sản và còn tệ hơn lúc chưa trúng.
Nghiệp sát sanh cũng phân biệt theo nặng nhẹ, ví dụ như chúng ta sát sanh một con kiến sẽ khác với một con cá và sẽ khác mức độ với một con vật như chó, mèo, heo, bò, v.v.
Nhưng nhìn chung là dù ít thì vẫn là có nghiệp đeo bám chúng ta như một dạng năng lượng tiêu cực mà chúng ta không nhìn thấy được và chỉ chờ đủ duyên để phát để hành ta mà thôi. Ví dụ như khi gặp hạn, phúc đức dễ kéo chúng ta lướt qua hạn nhỏ và giảm trừ hạn lớn. Ngược lại, nếu không đủ thì hạn lớn kho qua còn hạn nhỏ thêm trầm trọng.

Có những người sẽ nhận thấy sự ảnh hưởng do nghiệp nói chung hay nghiệp sát sanh nói riêng, rõ ràng và gần như ngay lập tức ở đời này khi nhìn vào cuộc sống hiện tại. Mình có quen một anh mà mình để ý, mỗi khi anh này có ý định và làm gì xấu là bị xui xẻo gần như lập tức. Mình cảm thấy anh này có điểm phúc đức có vẻ như đang ở ZERO, bất cứ điểm trừ hay cộng nào cũng có thể ngay lập tức phản ánh được.
Có những người thì có cuộc sống thong dong, ngao du và thoải mái với đam mê bộ môn câu cá thể thao. Đó là do số của mỗi người, do phúc đức tích góp ở những đời trước hay phúc đức thừa hưởng được của mỗi người đều khác nhau.
Có thể ví phúc đức như tiền chúng ta gửi trong ngân hàng, cứ xài ít như rút tiền lãi hàng tháng thì xài được lâu, còn tiêu pha, phung phí thì chẳng mấy chốc không còn gì.

Chấp nhận đam mê, chấp nhận vay, trả
Trong phạm vi bài viết này, người viết như tôi cũng là người đam mê bộ môn câu cá này nên sẽ chẳng có chuyện lên án việc câu kéo hay hô hào nên từ bỏ các thứ. Làm vậy các bạn sẽ cười cho, đúng không nào?
Thay vào đó tôi hiểu và tôi chấp nhận, chấp nhận nghiệp của mình, chấp nhận vay rồi trả, chấp nhận nghiệp quả. NHƯNG, tôi luôn duy trì ý thức, tinh tấn tu tập từng chút một. Và tôi khuyên các bạn, nếu quá đam mê, hãy cứ đam mê nhưng hãy ý thức và hạn chế tối đa nghiệp quả gây ra bằng cách hạn chế 3 điều kiêng kỵ với cần thủ sau đây.
Cá nhân tôi, chủ quan cho là nó sẽ giúp bạn giảm số điểm phúc đức bị trừ đi phần nào và cộng lại một ít bù vô đấy.

1/3 điều kiêng kỵ với cần thủ – LÃNG PHÍ THỨC ĂN
Mình từng biết có những bạn cần thủ đi câu về được ít cá con, không đủ dùng vào việc gì cũng chẳng đem thả lại sông tạo nguồn lợi thủy sản về sau. Không dùng vào bữa ăn để nuôi sống bản thân và gia đình mà lại mang cá câu được đi vứt cho chó, mèo, gia súc ăn.
Riêng phần này ở góc độ Phật pháp mà nói thì phạm những 2 giới, đó là giới sát sanh và giới lãng phí thức ăn. Đây đều là 2 dấu trừ cho điểu phúc đức.

Xét vào khía cạnh con người của chính ta thì ta bắt cá về cho gia súc ăn thì ta là người trực tiếp gây ra nghiệp sát sanh. Ta bị điểm trừ phúc đức trong khi cái trừ đó không mang lại lợi ích gì chính đáng cho ta và cho gia đình.
Xét ở cấp độ gia súc được cho ăn, thì không đúng với nghiệp của nó. Đâu phải tự nhiên chúng sanh đó sanh vào giới súc sanh và chịu nghiệp súc sanh. Cho chúng ăn như vậy có khi còn làm nặng nghiệp của chúng.
Xét ở góc độ con cá bị đem cho gia súc ăn và không phục vụ vào nuôi sống con người, nó không tích được phần âm đức bao nhiêu và sự giảm trừ nghiệp súc sanh của nó cũng ít hơn.
Như vậy ở điểm này ta thấy là ta THUA toàn tập hen!
2/3 điều kiêng kỵ với cần thủ – ĐEM CÁ CÂU ĐƯỢC ĐI CHO
Nếu ở điều một ta đem cá đi cho súc sinh ăn thì lần này ta thấy có vẻ đỡ hơn khi ta mang cho con người, người ta quen, người ta mến để ăn.
Ở đây rõ ràng thấy là đỡ hơn điều một bên trên rất nhiều, nhất là gần đây xuất hiện các nhóm câu thường rủ nhau mang cá câu được đem vào cho các trại giáo dưỡng, nhà cô nhi, viện dưỡng lão, v.v. Đây là một hành động có ý nghĩa, xuất phát từ tấm lòng biết chia sẻ và làm việc thiện. Ở đây, ta chấp nhận trừ từ nghiệp sát sanh nhưng lấy cộng lớn hơn từ việc làm từ thiện, tích phước.
TUY NHIÊN, ở đây theo tôi ta cần lưu ý và đảm bảo cá mang đi cho là cá sạch và nếu không cho thì bản than chúng ta có thể ăn được.
Ngày nay, ở các bộ môn câu mà thường câu được nhiều cá nhất thì đó chính là bộ môn Câu Đài với đặc điêm câu cá hồ và sừ dụng nhiều loại tinh mùi, hóa chất. Theo mình biết, bản thân các cần thủ sử dụng tinh mùi đi câu cá, câu giải để lấy cảm giác xong hầu như chả bao giờ ăn. Cá câu được họ thả lại hồ, có khi thì mang đi cho, đi biếu. Có thể nói, bản thân người câu còn không dám chắc là cá câu bằng các loại hương liệu ấy thì ăn vào có sao không. Nếu trẻ nhỏ hay phụ nữ có thai thì có sao không…

Như vậy khi ta mang đi cho, biếu mà vô tình hay cố ý mang lại mầm bệnh cho người khác thì đó là cái trừ rất nặng vào phúc đức.
THÊM NỮA, khi mang cá đi cho người khác, chúng ta đâu biết rằng họ có trân trọng cái thành quả này. Chúng ta không biết họ sử dụng có lãng phí hay không. Và khi họ lãng phí thì khác nào tự ta lãng phí phúc đức của mình khi mang đi cho?

Vậy nên, theo mình đi câu cho thoải mái, cho thư giản thôi. Mang về vừa đủ ăn, hoặc gặp cá ngon, sạch có thể mang tặng ai mà ta trân quý để được lại cái phúc đức khác.
3/3 điều kiêng kỵ với cần thủ – HẢ HÊ VỚI NGHIỆP SÁT VÀ GÂY ĐAU KHỔ
Phương Tây, dù không được tiếp cận và gần gũi Đạo Phật như người Châu Á nhưng ta thấy và học được ở họ nhiều điều. Cụ thể là việc giết chóc gia súc trong lò mổ của nghành công nghiệp chăn nuôi là họ luôn ý thức giảm thiểu tối đa sự đau khổ hay sợ sệt mà con vật phải gánh chịu trước khi giết thịt.
Ngay trong những cảnh phim của Hollywood, ví dụ như trích đoạn Mowgly bên dưới, chúng ta cũng thấy được sự phản ánh ý thức nhân văn của người Phương Tây. Con báo đen này săn bắt chỉ là để nuôi sống bản thân, nó không hả hê với giết chóc và nó trân trọng con mồi bị nó giết.
Posted by ANC1688vn on Thursday, 16 July 2020
Không câu game
Nếu ai biết mình, họ đều biết mình chẳng bao giờ câu game cả. Đơn giản vì bản thân mình hiểu được phúc đức mình ít nên phải tiết kiệm. Câu game là một loại giải trí vô thưởng vô phạt đối với mình, ngược và thua cả suy nghĩ của cả con báo bên trên, chúng ta hả hê với đi săn không vì nuôi bản thân. Chúng ta móc câu vào miệng cá, gây đau, gây tổn thương rồi nhốt trong rọng rồi đổ ra chụp ảnh tự sướng… theo tôi đó là điều không nên và những ai muốn tích phúc đức thì nên tránh.
Cách giảm trừ nghiệp, tích phước
Từng bước một chúng ta cải thiện tâm mình bằng cách hạn chế 3 điều kiêng kỵ với cần thủ bên trên. Tu tập theo chánh pháp và giáo lý Phật nếu có thể. Cùng đó là kết hợp việc làm cụ thể như thả cá phóng sanh và tập cho đi những thứ ta không cần nhưng người khác cần. Đó là các việc dễ làm và làm được trước mắt.

KẾT BÀI
Hi vọng qua bài viết này, ít nhất thì ace cần thủ chúng ta hiểu hơn về bộ môn câu cá thể thao và có cái nhìn đúng, không thái quá cũng không quá buông lơi theo quáng tính để tích nhiều phúc, đức hơn để duy trì đam mê nhưng vẫn có cuộc sống an nhiên.
Liên quan đến bài 3 điều kiêng kỵ với cần thủ theo góc nhìn của Đạo Phật
các ACE cần thủ có thể tham khảo các bài giảng, thuyết pháp của các sư Thầy, Sư Tôn bên dưới.