Ác Nhân Cốc

Nơi "cái ác" thể hiện...

Chim choắt bay hơn 12.000 km không nghỉ

Chim choắt mỏ thẳng đuôi vằn lập kỷ lục với thành tích bay liên tục từ Alaska đến New Zealand trong 11 ngày.

Chim choắt mỏ thẳng đuôi vằn. Ảnh: Juan Carlos Martinez Salvadores/Alamy.

Chim choắt mỏ thẳng đuôi vằn. Ảnh: Juan Carlos Martinez Salvadores/Alamy.

Chim choắt mỏ thẳng đuôi vằn đực 4BBRW khởi hành từ tây nam Alaska ngày 16/9 và tới một vịnh gần Auckland, New Zealand, ngày 27/9. Nhờ thẻ vệ tinh gắn trên lưng con vật, các nhà khoa học có thể theo dõi đường di chuyển của nó. 4BBRW là một trong 4 con chim cùng rời khỏi vùng đất bùn ở Alaska, nơi chúng đã dành hai tháng để ăn giun và động vật thân mềm.

Sau khi rời Alaska, bầy chim bay về phía nam, qua quần đảo Aleutian và ra giữa Thái Bình Dương. Các nhà khoa học cho rằng hành trình bị kéo dài do gió hướng đông mạnh, đẩy chúng về phía Australia. Chim choắt mỏ thẳng đuôi vằn đực có cân nặng trung bình là 190 – 400 gram. Trước một chuyến bay dài, chúng có thể co nhỏ các cơ quan nội tạng để làm nhẹ cơ thể.

Dữ liệu vệ tinh cho thấy 4BBRW đã bay 12.854 km. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng nếu tính cả các lỗi làm tròn, số liệu sẽ là khoảng 12.200 km. Tổng thời gian bay của nó khoảng 224 tiếng, tốc độ có lúc đạt 88,5 km mỗi giờ. Trước đó, kỷ lục chuyến bay liên tục dài nhất là 11.680 km, ghi nhận vào năm 2007.

Xem thêm  Cá sấu cố thủ dưới gầm giường

“Dường như chúng có khả năng nhận biết vị trí của mình trên địa cầu. Chúng tôi chưa thể giải thích chính xác nhưng chúng giống như mang theo bản đồ tích hợp. Chúng bay giữa Thái Bình Dương nhiều ngày, hoàn toàn không có đất để hạ cánh. Sau đó, chúng tới New Caledonia và Papua New Guinea, nơi có vài hòn đảo. Tuy nhiên, có vẻ khi nhìn thấy đất, chúng lại cảm thấy cần đổi hướng để tới được New Zealand”, tiến sĩ Jesse Conklin tại tổ chức Global Flyway Network cho biết.

Dù chưa chắc chắn, các nhà khoa học tin rằng bầy chim không ngủ trong chuyến bay và dành phần lớn thời gian để vỗ cánh. “Chúng tiêu thụ năng lượng cực kỳ hiệu quả. Chúng có cấu tạo như một chiếc tiêm kích. Đôi cánh dài, nhọn với cấu tạo gọn gàng mang đến nhiều tiềm năng khí động lực học”, Conklin giải thích.

4 con chim bay từ Alaska tháng trước nằm trong số 20 con được Trung tâm Chim lội Pukorokoro Miranda bắt và gắn thẻ theo dõi cuối năm 2019. Chúng dự kiến bắt đầu hành trình trở về vào tháng 3, bay qua châu Á và dành khoảng một tháng kiếm ăn quanh biển Hoàng Hải, sau đó về Alaska.

Các nhà khoa học tại Global Flyway Network tin rằng chuyến bay qua Thái Bình Dương đóng vai trò như một “hành lang sinh thái” với bầy chim. Đây là đường bay khá thuận lợi về chiều gió và ít nguy cơ nhiễm bệnh hoặc gặp kẻ săn mồi. Đó là lý do chúng cần thực hiện chuyến bay dài như vậy.

Xem thêm  Cá sấu bơi vào thành phố Ấn Độ đớp chó nhà sau mưa lớn

Thu Thảo (Theo Guardian)

Đọc bài gốc tại đây

Tags:

Ác Nhân Cốc
Logo
Shopping cart