Bạch tuộc hỗn chiến bằng bùn lầy và vỏ sò

Các nhà nghiên cứu đã chứng kiến một cảnh tượng khá độc đáo dưới đáy biển – một nhóm bạch tuộc đã hỗn chiến bằng cách ném bùn lầy và vỏ sò vào nhau.

Bạch tuộc hỗn chiến bằng bùn lầy và vỏ sò

Hành vi ném đồ vật của bạch tuộc được ghi nhận lần đầu tiên. Video: Godfrey-Smith et al./PLOS ONE

Theo báo cáo mới đây trên tạp chí PLOS One, một nhóm nghiên cứu ở vịnh Jervis, Australia đã sử dụng camera dưới nước để quan sát hành vi của một quần thể bạch tuộc hoang dã trong vài ngày. Họ đã lần đầu tiên ghi nhận được hành vi ném những vật thể như đất bùn và vỏ sò vào đồng loại.

Theo giáo sư Peter Godfrey-Smith, trưởng nhóm nghiên cứu, việc ném một vật thể trong môi trường dưới nước kỳ lạ và khó thực hiện. “Việc đẩy một vật thể, thậm chí khi ở khoảng cách ngắn, ở dưới nước càng đặc biệt và rất khó thực hiện”, ông cho biết.

Những con bạch tuộc trong quần thể thu thập các vật thể như đất bùn và vỏ sò bằng cánh tay của chúng và ném vào đồng loại bằng lực đẩy phản lực. Tuy nhiên, phần lớn cú ném không có chủ đích rõ ràng, nhưng một số cú ném có khả năng đập trúng đối phương. Đây có thể là dấu hiệu của sự dữ dằn và thể hiện tính xã hội của bạch tuộc, khi chúng phải nỗ lực đánh dấu lãnh thổ trong môi trường chật chội.

Bạch tuộc gloomy (Octopus tetricus) là loài bạch tuộc sống ở vùng biển cận nhiệt đới phía đông Australia và New Zealand. Tuy chúng không có tính xã hội cao, nhưng do sự dồi dào của nguồn thức ăn, các con bạch tuộc trong vùng buộc phải sống gần nhau.

Theo nhà nghiên cứu, hành vi ném đồ vật có khả năng đúng mục tiêu đã được ghi nhận ở một số lượng nhỏ động vật có tính xã hội như tinh tinh, voi, cầy mangut và chim. Thước phim này là bằng chứng đầu tiên cho thấy bạch tuộc có thể thực hiện hành vi mang tính xã hội và có chủ đích. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng hành vi này đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa ở người, ví dụ như ném lao để săn động vật lớn hơn.

Theo Newsweek

Shopping cart