Một trong những điều bận tâm nhất của cần thủ mỗi khi chuẩn bị cho buổi đi câu chắc chắn phải kể đến đó là việc chuẩn bị mồi câu gì và sẽ câu như thế nào để không bị “móm”. Các thành viên của Ác Nhân Cốc cũng vậy, từ lúc mới tập tành đi câu cho đến bây giờ cũng đã trải qua nhiều năm tháng nhưng những suy nghĩ, ham tìm tòi và trăn trở về bài mồi câu hiệu quả vẫn luôn thực sự là “nỗi ám ảnh” mỗi người chúng tôi. Và cái mà chúng tôi nhận ra đến bây giờ vẫn còn được nhiều cần thủ quan tâm, đó chính là bài mồi câu cá rô phi.
Tập tính ăn mồi và khẩu vị của cá thường khác nhau tùy vào loại cá và độ trưởng thành của con cá. Ví dụ, cá nhỏ thường ăn tanh nhiều hơn cá lớn, vì tanh đồng nghĩa là độ đạm cao hơn và cá nhỏ cần nhiều đạm để trưởng thành. Ở phần bài viết này, Ác Nhân Cốc sẽ tổng hợp và gửi đến các anh em cần thủ mới nhập môn, đặc biệt là các anh chị em của bộ môn câu tay, câu đơn và câu Đài, một số bài mồi câu cá rô phi đơn giản nhưng hiệu quả và đa phần đã được chúng tôi kiểm chứng.
Đặc tính của cá rô phi và tập tính ăn mồi
Nhiệt độ
Nhiệt độ cần thiết cho sự phát triển của cá rô phi từ 20 – 32 độ C, thích hợp nhất là 25 – 32 độ C. khả năng chịu đựng với biến đổi nhiệt độ cũng rất cao từ 8 – 42 độ C, cá chết rét ở 5,5 độ C và bắt đầu chết nóng ở 42 độ C. Nhiệt độ càng thấp thì cá càng giảm ăn, ức chế sự tăng trưởng và tăng rủi ro nhiễm bệnh.
Độ mặn
Cá rô phi là loài rộng muối, chúng có khả năng sống được trong môi trường nước sông, suối, đập tràn, hồ ao nước ngọt, nước lợ và nước mặn có độ muối từ 0 – 40%. Trong môi trường nước lợ (độ mặn 10 – 25%) cá tăng trưởng nhanh, mình dày hơn.
Dinh dưỡng
Thức ăn chủ yếu của cá rô phi con ngoài thiên nhiên là sinh vật phù du (tảo và động vật nhỏ). Khi cá trưởng thành ăn mùn bã hữu cơ lẫn các tảo lắng ở đáy ao, ăn ấu trùng, côn trùng, thực vật thuỷ sinh. Tuy nhiên trong nuôi công nghiệp cá cũng ăn các loại thức ăn chế biến từ cá tạp, cua, ghẹ, ốc, bột cá khô, bột bắp, bột khoai mì, khoai lang, bột lúa, cám mịn, bã đậu nành, bã đậu phộng. Trong thiên nhiên cá thường ăn từ tầng đáy có mức sâu từ 1 – 2m.
Như vậy có thể kết luận rằng cá rô phi là loại cá ăn tạp và thường ăn bất chấp giờ giấc nếu địa hình đó không có những yếu tố đặc thù như nước ra vô hay chịu ảnh hưởng của thủy triều nhiều. Đơn giản, nếu ở khu vực có nước ra vô hay dâng lên theo thủy triều thì con cá có xu hướng di chuyển ra nơi có nhiều thức ăn như miệng cống, miệng ống xả nước, v.v.
Vì vậy, thực tế cho thầy mồi câu cá rô phi không phải là quá phức tạp và khó như nhiều người chúng ta hay nghĩ, mà nó còn có nhiều yếu tố khác nữa. Chúng tôi sẽ có bài viết nói thêm về các yếu tố này, ở phạm vi bài viết này chúng ta sẽ tập trung vào công thức và các bài mồi để anh em có thể tự mình pha trộn và mang đi câu ngay và luôn nhé.
Bài mồi xả cám, câu giun hoặc tép
Đây có lẽ là bài mồi truyền thống đơn giản nhất, với các nguyên liệu dễ tìm mà hiệu quả cũng thường khá tốt. Ở bài mồi xả cám, câu bằng giun này thích hợp câu cá rô phi thiên nhiên nhiều hơn là trong ao hồ dịch vụ.
Cám xả, có thể dùng các loại cám tanh từ tanh vừa cho tới tanh nặng cơ hầu hết ở các tiệm đồ câu hay nơi bán thức ăn cho gia cầm, gia súc. Hoặc cũng có thể mua các loại cám xả cho rô phi đóng gói sẵn, thường là sẽ có giá thành cao hơn một chút. Về hiệu quả thì theo chúng tôi là cũng gần như nhau mà thôi.
Có thể thay hoàn toàn cám tanh bằng cám cá vàng hoặc pha trộn theo tỉ lệ 1:1 để làm mồi xả.
Sau khi xả mồi thì có thể móc mồi trùn mủ hoặc trùn huyết để làm mồi câu chính. Với các anh chị em câu Đài thì mồi trùn có vẻ hơi khó xài, vì khi câu Đài chúng ta thường dùng lưỡi không ngạnh nên dễ tuột mồi. Vì vậy, ngoài trùn có thể dùng tép lột vỏ, cắt khúc để làm mồi câu chính. Ở các ao hồ có bờ cỏ và có tép rong sống thì có thể lấy vợt xúc và dùng tép rong làm mồi, hoặc dùng loại tép rong mua ở chợ để câu.
Bài mồi câu cá rô phi với cám tanh và cám D (Định Đồng Diều)
Cám D (Định Đồng Diều) có nhiều mã được chia theo các loại cá và các kiểu thời tiết khác nhau. Tuy nhiên, thông dụng nhất vẫn là cám D1 và D2. Ở bài mồi tiếp theo này chúng ta sẽ kết hợp cám tanh và với 2 loại cám D1 và D2.
Với thời tiết nắng nóng gắt, có thể pha cám tanh nhẹ hay cám cá vàng với một ít D1 để trộn mồi xả. Khi câu thì ta câu hoàn toàn bằng D1.
Ngược lại với thời tiết mát lạnh, có thể dùng cám tanh vừa trộn với một ít D2 để làm mồi xả. Khi câu thì có thể câu thuần bằng cám D2.
Bài mồi câu cá rô phi nâng cao
Đây là bài mồi mà chúng tôi rất hay sử dụng vì nó khá là hiệu quả và ngoài cá rô phi ra còn hiệu quả với cả cá chép, cá tra và cá trê.
Thành phần bài mồi này sẽ gồm: Cám chim xay nhuyễn, cám D1, cám D2, cám tanh nhẹ hoặc cám cá vàng, rô phi gan, rô phi tôm, bột đậu xanh (Bích Chi), bột bung (bột tuyết).
Cách trộn mồi này cũng đơn giản thôi, các bạn mua loại Cám chim Ba Vì về và cho vào máy xay nhuyễn rồi cất riêng một hũ để dành trộn dần. Vì loại cám chim này nếu để nguyên hạt như cho chim hay gà ăn thì nó sẽ hút nước khá lâu và cũng khó trộn với các loại cám khác.
Trộn cám câu cá rô phi cho thời tiết nắng nóng với thành phần cám nền sẽ theo tỉ lệ sau, các bạn lưu ý là tỉ lệ này mang tính tương đối thôi, không cần đong đếm chính xác:
- 1 cám chim
- 1 cám D1
- ½ rô phi gan
- ½ rô phi tôm
- 1 gói bột đậu xanh Bích Chi
- ½ bông tuyết
Cho thời tiết mát, lạnh các bạn cũng làm theo công thức trên nhưng thay D1 bằng D2, cám chim thay bằng cám tanh hoặc cám cá vàng. Có thể tăng tỉ lệ rô phi gan lên một chút.
Lưu ý
Khẩu vị cá “địa phương”
Khi các bạn đi câu, sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc câu được nhiều cá hay không. Trong đó yếu tố bài mồi và sự may mắn là rõ ràng nhất. Đi sâu vào yếu tố bài mồi, sẽ có một cái mà mình tạm gọi là “khẩu vị địa phương”.
“Khẩu vị địa phương” của cá chính là việc để ý và tìm hiểu xem cá ở hồ đó quen ăn những loại thức ăn nào. Ví dụ, bạn nhận thấy hồ này có mấy ông anh, ông chú thường xuyên đóng quân đánh game và họ thường sử dụng bài mồi có thành phần A hay cám C làm nền. Thì chắc chắn các bạn nên cân nhắc biến tấu bài mồi của mình với thành phần A hay cám C đó chứ không nên dùng mồi độc lạ hoàn toàn.
Các bài mồi cá rô phi có thể áp dụng cho cá diêu hồng
Cá diêu hồng cũng là loại cá có họ hàng gần gũi với cá rô phi nên các bài mồi câu cá rô phi ở trên cũng có thể dùng để câu cá diêu hồng. Đáng lưu ý là cá diêu hồng thích tanh nặng và tươi như tôm hay các kiểu bột gan hoặc mồi đông lạnh.
Tổng kết
Bài mồi câu cá rô phi hay bất cứ loại cá nào khác là cái chúng ta luôn hoàn toàn có thể tự chủ và biến tấu theo ý mình, hoàn toàn không cần phải lệ thuộc vào một loại mồi hay một bài nhất định nào cả. Chúc các bạn thành công với việc tìm tòi và hình thành bài mồi của riêng mình.